Năm 1952, P. I. Branemark, đã công bố một loại vật liệu mới Titanium dùng trong cấy ghép răng có thể khắc phục các nhược điểm trên. Bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép răng bằng Titanium vào năm 1965. Năm 1982 tại Hội nghị Toronto, các nhà khoa học mới chính thức công nhận lý thuyết về tích hợp xương (Osseointergration) có nghĩa xác nhận cấy ghép nha khoa là một kỹ thuật điều trị hiện đại. Từ đó mở đầu cho thời kỳ phát triển, hoàn chỉnh, Implant ngày càng được áp dụng rộng rãi và đã được đưa vào chương trình giảng dạy của hầu hết các trường nha khoa trên thế giới.
Implant là trụ làm bằng chất liệu Titanium được cấy vào xương hàm để thay thế cho răng đã mất. Trụ Implant kết hợp vững chắc vào xương, đóng vai trò như một chân răng, trên đó gắn một mão răng bằng sứ giống như răng thật. Răng cấy ghép hoàn toàn phù hợp với sinh lý tự nhiên, không gây hại cho cơ thể. Implant là thành tựu khoa học tuyệt vời nhất trong lịch sử nha khoa cho tới hiện tại, nó cho phép phục hồi lại răng đã mất giống như răng thật cả về phương diện thẩm mỹ lẫn chức năng.
Năm 1986, bệnh nhân Implant đầu tiên tại Việt Nam được cấy ghép ở viện Răng Hàm Mặt quốc gia với sự giúp đỡ của chuyên gia Ý. Năm 1994, Implant chính thức được giới thiệu tại Hội nghị Nha khoa Quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam và Implant đầu tiên được đặt tại Viện Răng Hàm Mặt thành phố Hồ Chí Minh nhân Hội nghị này. Từ 10 năm gần đây việc cấy ghép răng được thực hiện như một kỹ thuật phổ biến trong các bệnh viện chuyên ngành Răng Hàm Mặt, cũng như ở các trung tâm Răng Hàm Mặt lớn ở Việt Nam. Tại Huế (2010), công trình nghiên cứu cấp bộ về cấy ghép nha khoa với 62 implant trên 34 bệnh nhân đã cho thấy kết quả đáng khích lệ với tỷ lệ thành công 96,23%.
Phương pháp phục hình này đã khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp phục hình trước đây như không phải mài hai răng bên cạnh, phục hồi hoàn toàn chức năng nhai, thẩm mỹ, ít gây khó chịu cho bệnh nhân khi ăn nhai, dễ vệ sinh đặc biệt là phục hình được các răng mất vùng cuối của cung hàm (không có răng phía sau). Tuy nhiên, để áp dụng được phương pháp cấy ghép nha khoa trên bệnh nhân cần phải nghiên cứu kỹ các đặc điểm lâm sàng, X-quang trên bệnh nhân và tại vị trí mất răng, chẳng hạn như tuổi, bệnh lý toàn thân, hút thuốc lá, đặc điểm xương và mô mềm tại vị trí mất răng…