I. Đại cương
1. Ung thư (K) vùng hàm mặt thuộc nhóm ung như đầu và cổ.
Theo phân loại ung thư trên cơ thể người của Hội chống ung thư thế giới năm 1970 ở Houston.
K vùng hàm mặt bao gồm: K niêm mạc miệng, K xương hàm, K tuyến nước bọt, K da, K của tổ chức tạo máu. Trong đó K niêm mạc má là hay gặp nhất.
2. K niêm mạc miệng là một tổn thương lộ ra ngoài nên dễ nhận thấy, dễ chẩn đoán và điều trị.
3. K niêm mạc miệng là một tổn thương nằm ở phần trên của cơ quan tiêu hóa.
Dễ sang chấn tạo thành vòng xoắn bệnh lý làm cho tổn thương phát triển nhanh: tổn thương loét và sang chấn gây chảy máu, nhiễm trùng và loét. Có thể nói rằng ung thư niêm mạc miệng luôn gắn liền với chảy máu và nhiễm trùng.
4. K niêm mạc miệng liên quan mật thiết với các cơ quan lân cận như xoang hàm, mũi, mắt, thần kinh.
5. K niêm mạc miệng thường là K biểu mô
Hay gặp ở người trung tuổi, tiến triển tương đối chậm so với các ung thư khác như sacôm hoặc K của tổ chức tạo máu.
6. K niêm mạc miệng giai đoạn đầu triệu chứng nghèo nàn, bệnh nhân thường đến muộn ở giai đoạn T3, T4 rất khó khăn cho điều trị và tiên lượng.
7. K niêm mạc miệng thường chẩn đoán dễ dựa vào lâm sàng và tết bào học ... kết quả điều trị tùy thuộc từng bệnh nhân, tùy giai đoạn, và loại tế bào K.
8. Giải phẫu bệnh lý
Cách xếp loại TNM theo “Tổ chức quốc tế chống ung thư“ UICC.
K niêm mạc miệng: 90 % là ung thư biểu mô tế bào gai.
Hệ thống xếp loại K - TNM gồm:
8.1. T (Tumor - khối u)
- T0: Không có triệu chứng lâm sàng và X quang phát hiện ung thư.
- T1: U khu trú ở nông, kích thước dưới 2 cm2
- T2: Kích thước u trên 2 cm2 mà không có thâm nhiễm xung quanh.
- T3: Kích thước u trên 3- 4 cm2 có thâm nhiễm da và ít ở vùng lân cận.
- T4: U lớn, đã xâm nhập các bộ phận lân cận.
8.2. N (Node - hạch vùng)
- N0: không phát hiện được hạch.
- N1: hạch nhỏ di động cùng bên
- N2: hạch nhỏ di động 2 bên
- N3: hạch to dính
8.3. M (Metastasis - di căn xa )
- M0: không phát hiện được di căn
- M1: có di căn xa
- Nếu làm giải phẫu bệnh lý hạch thấy tế bào ung thư ghi thêm N+
II. Dịch tễ học
Ở Việt Nam, K niêm mạc miệng chiếm khoảng 1,7 % tổng số các loại K, nếu tính cả ung thư lưỡi và môi tỷ lệ là 3,7 % (theo số liệu của Viện K Hà Nội, từ năm 1967 -1971) theo số liệu của Nguyễn Văn Thụ từ 1957-1975, K niêm mạc miệng chiếm 18 %.
Ở nước ngoài: Mỹ 1968, K phần miệng chiếm 2,5 %, ở Pháp Viện Roussy 197: ung thư miệng chiếm 10 %.
Về giải phẫu bệnh lý: ở Việt Nam, K biểu mô chiếm 78,4 % và ở Pháp, K biểu mô chiếm 95 % ( Frank ).
III. Nguyên nhân gây ung thư
1. Nguyên nhân do hóa chất như sản phẩm cacbua, nấm mốc, thuốc lá, thuốc trừ sâu.
2. Nguyên nhân vật lý như tia X, phóng xạ, tia cực tím.
3. Di truyền.
4. Virus như Epstein Barr (EBV 1964) gây u lympho Burkitt và u vòm.
5. Yếu tố địa lí, tập quán, sức đề kháng của cơ thể.
IV. Triệu chứng
1. Cơ năng
Đau vùng tổn thương, đau ngày càng tăng. Ăn, nói khó khăn, chảy máu tự nhiên hoặc sau sang chấn. Răng lung lay ngày càng tăng.
Hội chứng tai mũi họng: Ngạt tắc mũi, chảy máu mũi; to, dày môi trên và đau nhức vùng xoang. Triệu chứng này thường xuyên xảy ra một bên.
Hội chứng ở mắt: Đau nhức mắt, lồi mắt, tắc lệ đạo, liệt, lác nhãn cầu.
2. Thực thể
2.1. Giai đoạn sớm
2.1.1. Thể loét: vết loét nông, mềm ở niêm mạc, hoặc ở lợi quan mặt răng, vết loét phát triển rộng và sâu xuống xương hàm, vết loét có đáy được phủ một lớp giả mạc hoặc tổ chức hoại tử, bờ nham nhở, chạm vào dễ chảy máu.
2.1.2. Thể sùi: tổ chức sùi như hoa sup lơ, dính chặt đáy, kèm theo loét hoại tử, chạm vào dễ chảy máu.
2.1.3. Thể loét sùi: thường gặp ở các vị trí sau:
- Ở môi: đường viền da và niêm mạc.
- Ở niêm mạc má: ở giữa tương ứng cung răng, sau răng số 8.
- Ở sàn miệng - hai bên rãnh lưỡi.
- Lưỡi: bờ bên 2/3 trước và 1/3 sau.
- Vòm miệng: bờ bên, buồng hầu.
2.2. Giai đoạn muộn
- Tổn thương ở niêm mạc lan ra tổ chức lân cận như xương hàm, xoang hàm, hố chân bướm hàm.
- Tổn thương ở xương hàm, u lan ra phá hủy xương tạo u xương hàm, ranh giơiï không rõ, thâm nhiễm da, hạn chế há miệng, ngách lợi phồng, sùi loét, răng lung lay, miệng hôi thối, tổ chức sùi loét dễ chảy máu.
- Tổn thương ở xoang hàm, ngạt tắc mũi, đau nhức vùng xoang một bên, sập hàm ếch, mặt trước xương hàm trên phồng có thể thâm nhiễm da. Khám thành bên mũi bị đẩy vào trong, có thể có tổ chức sùi qua lỗ thông ngách mũi giữa.Tổn thương ở xoang hàm có thể lan lên mắt gây các triệu chứng ở mắt, răng lung lay.
2.3. Di căn hạch
Hạch dưới hàm, di động hoặc dính là nơi hay di căn nhất. Hạch cạnh cổ dọc theo bờ trước cơ ức đòn chũm và hạch thượng đòn.
3. Triệu chứng cận lâm sàng
3.1. Nghiệm pháp xanh toluidin
Áp dụng cho những tổn thương nghi ngờ ác tính.
Tiến hành: bôi acid acetic 1% sau đó bôi xanh toluidin 1% chờ 10 giây đến 1 phút rửa lại bằng acid acetic 1%, kết quả mô có tổn thương bắt màu xanh.
Ưu điểm: xét nghiệm đơn giản, dùng để phát hiện sớm K niêm mạc miệng.
Nhược điểm: một số tổn thương viêm cũng bắt màu xanh.
3.2. Xét nghiệm tế bào bề mặt
Xét nghiệm này rất quan trọng đối với việc chẩn đoán sớm K niêm mạc miệng. Cơ sở của phương pháp này là những tế bào tróc ra từ khối u có cùng tính chất với tế bào u lấy bằng phương pháp sinh thiết.
Ưu điểm: đơn giản, kết quả sớm, làm ở nhiều vị trí một lúc, hướng cho sinh thiết đúng vị trí, tỷ lệ cao 90 %.
Nhược điểm: không xét nghiệm được tổn thương ở sâu hoặc lấy phải tế bào viêm bề mặt, muốn có kết quả chính xác phải làm sinh thiết.
Tiến hành: gạt bề mặt tổn thương bằng cây đè lưỡi nạo lấy tế bào lớp dưới, quệt tế bào nạo được lên phiến kính - cố định bằng cồn 90 độ, gửi giải phẫu bệnh.
3.3. Phẫu thuật sinh thiết
Phẫu thuật sinh thiết nhằm chẩn đoán xác định ung thư, trước hoặc sau khi điều trị, tùy theo tổn thương ở nông hoặc sâu có thể làm ngay trên ghế khám hoặc ở trong phòng mổ. Bệnh phẩm sinh thiết yêu cầu đủ rộng 1 cm x 0,5 cm, tốt nhất là lấy giữa ranh giới tổ chức lành và tổ chức ung thư.
Bệnh phẩm được ngâm vào cồn 90 độ để cố định và gửi chuyên khoa giải phẫu bệnh.
3.4. X quang
Tùy từng bệnh nhân chọn các tư thế chụp phim: phim răng, tư thế mặt thẳng, hàm dưới chếch, Blondeau, Hirtz, Chụp Scaner ( cắt lớp )
3.5. Các xét nghiệm cần thiết cho cơ quan nghi ngờ có di căn
3.6. Các xét nghiệm thông thường: về máu, X quang tim phổi v.v... để đánh giá toàn trạng của bệnh nhân.
V. Chẩn đoán
Dựa vào kết quả lâm sàng, X quang, tế bào học cần phải xác định:
Vị trí, kích thước u.
Tổ chức bị xâm lấn.
Tế bào ung thư loại nào.
Xếp loại theo TNM.
Xếp theo giai đoạn.
VI. Điều trị
Tùy theo từng bệnh nhân, ở giai đoạn nào, K loại tế bào gì mà lựa chọn các phương pháp thích hợp.
1. Phương pháp phẫu thuật
Là phương pháp điều trị tốt nhất, nguyên tắc là
Phẫu thuật rộng, cắt bỏ toàn bộ u và tổ chức lân cận bị xâm lấn.
Phẫu thuật nạo vét hạch, cắt bỏ hết hạch dưới hàm, hạch dọc cơ ức đòn chũm.
Phẫu thuật sớm kết quả sống trên 5 năm hơn 50 %.
2. Phương pháp tia xạ
Tia xạ có tác dụng tốt với ung thư tổ chức liên kết và ung thư biểu mô ít biệt hóa, hay tái phát, đối với ung thư biểu mô tia ít tác dụng, thường chỉ áp dụng những bệnh nhân không phẫu thuật được hoặc phẫu thuật không triệt để, có 3 loại tia sau: X, tia điện từ, tia radium.
Tia điều trị có thể gây loét da, hoặc tiêu xương, bạch cầu giảm, hồng cầu giảm. Vì vậy điều trị tia phải theo dõi sát và chọn phương pháp điều trị thích hợp.
3. Phương pháp hóa trị liệu
Hóa trị liệu có nhược điểm là gây tổn thương cả tế bào lành. Gây giảm bạch cầu, viêm túi mật, rụng tóc v.v...
Hóa trị liệu được dùng trong những trường hợp: trước mổ để thu nhỏ u, không phẫu thuật được, phẫu thuật không triệt để, dùng hóa trị liệu có 3 đường: uống, động mạch, tĩnh mạch.
Thuốc thường dùng là: Cyclophosphamid (Endoxan), Triethyleamino-benzochinon (Trenion).
4. Điều trị miễn dịch
Nguyên tắc: làm tăng sinh sản tế bào lympho T, tăng khả năng miễn dịch cơ thể.
Hóa chất: LH1, Eshlem, vỏ BCG.
5. Phẫu thuật lạnh
Nguyên tắc dùng nhiệt độ thấp để diệt tế bào K.
Dùng Ni tơ lỏng –196 độ C.
Kết quả tốt đối với ung thư da, hoặc K không còn khả năng phẫu thuật.
VII. Tiên lượng
phụ thuộc vào:
Giai đoạn sớm hay muộn.
Loại tế bào K.
Phương pháp điều trị. Sức đề kháng của cơ thể.
Để phát hiện sớm: trước một tổn thương nghi nghờ ác tính cần phải làm ngay các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán.
Trên thế giới K vùng miệng hàm mặt điều trị sống trên 5 năm là 35 %