CẤP CỨU

I. NGẤT

    Thường gặp khi tiến hành các thủ thuật điều trị răng miệng : nhổ răng, lấy tủy răng, chích rạch áp xe.

1. Nguyên nhân

    + Mệt mỏi : do đi xa, chờ đợi lâu
    + Đói do nhịn ăn nhiều ngày
    + Nhân cách yếu : qúa lo sợ, tâm lý không vững
    + Đau quá ngưỡng
    + Nhìn thấy máu, kim tiêm

2. Lâm sàng :

Ngất là trạng thái mất tri giác một phần hay tạm thời, do thiếu oxy trong não. Từ nhẹ đến nặng người ta chia 3 trạng thái: xỉu, ngất xanh, ngất trắng

2.1 Xỉu : thường gặp nhất, là một tình trạng mất một phần tri giác. Biểu hiện lâm sàng

    - Ngáp                                        - Da xanh tái
    - Vẻ mặt hoảng hốt lo sợ             - Mạch nhỏ không đều
    - Toát mồ hôi                               - Nhịp thở chậm
    - Lơ mơ

* Xử trí
    + Cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nơi thoáng khí
    + Nới rộng quần áo
    + Xoa cồn vào mặt, thái dương, trán
    + Gọi lớn tên bệnh nhân
    + Bấm huyệt nhân trung
    + Tiêm thuốc hồi sức và trợ tim :
        - Campho 1ống 5ml tiêm dưới da
        - Coramin 1ống 5ml tiêm dưới da
        - Cafein 1-2ml tiêm dưới da
2.2. Ngất xanh : biểu hiện lâm sàng
    + Da mặt xanh tím
    + Nhịp thở, nhịp tim lúc đầu nhanh sau không đều và ngừng hẳn
    + Huyết áp tăng lên rồi hạ thấp
* Xử trí
    - Hô hấp nhân tạo
    - Khai thông đường hô hấp trên (lấy hết đờm giải)
    - Thực hiện phương pháp miệng - miệng :
    Đặt bệnh nhân nằm ngửa, kê gối dưới xương bả vai, ngửa đầu ra sau. Người cứu nạn qùy gối cạnh đầu bệnh nhân, một tay bịt mũi, tay kia đỡ cằm và banh miệng bệnh nhân. Miệng kề miệng (qua 1 miếng gạc) thổi đều đến khi lồng ngực nở ra, thổi mạnh như vậy 12 lần/phút. Nếu không khai thông đường hô hấp được thì phải mở khí quản
    - Tiêm thuốc hồi sức
    - Thở oxy
1.3. Ngất trắng : đây là trường hợp tuần hoàn và hô hấp đều ngưng trệ. Biểu hiện lâm sàng :
    - Da trắng bạch
    - Đồng tử dãn
    - Mạch không bắt được
    - Tim không nghe được
    - Huyết áp không đo được
* Xử trí : cần nhanh chóng tái lập hệ tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân
    - Hô hấp nhân tạo
    - Cho thở Oxy
    - Xoa bóp tim ngoài lồng ngực
    - Tiêm adrenalin 1/1000; 0, 2 - 0,3ml vào tâm thất trái
    - Chuyển đến trung tâm hồi sức gần nhất

II. CHẢY MÁU

1. Chảy máu lợi răng: Thông thường là do viêm lợi, viêm nha chu

1.1. Lâm sàng
    + Tình trạng vệ sinh răng miệng kém
    + Lợi quanh cổ răng nề đỏ, sưng tấy chạm vào dễ chảy máu
    + Có vôi răng dưới lợi
1.2. Xử trí : lấy vôi răng, rửa oxy già, chấm thuốc chống viêm tại chỗ

2. Chảy máu ổ răng sau nhổ răng :

 Là một cấp cứu thường gặp, sau khi nhổ răng 2 - 3 giờ mà máu vẫn chảy từ ổ nhổ răng
* Xử trí : lấy bỏ hết cục máu đông cũ, nạo sạch ổ răng để lấy bỏ các tổ chức viêm nhiễm, các mảnh răng vỡ, mảnh vôi răng còn sót, bơm rửa sạch bằng nước muối sinh lý hòa bétadine, cắn gòn có tẩm oxy già, theo dõi sau 30 phút, nếu không cầm có thể nhét Spongel vào ổ răng và khâu kín ổ răng để cầm máu. Lưu ý nếu chảy máu do nguyên nhân toàn thân thì cần phải xác định rõ bệnh và chuyển lên tuyến trên kịp thời.

III. VẬT LẠ, RĂNG RƠI VÀO THỰC QUẢN, KHÍ QUẢN

    Thường gặp khi:

    • Nhổ răng ở trẻ em không hợp tác
    • Rơi dụng cụ lấy tủy khi điều trị

1. Vào đường thực quản :

* Thường không nguy hiểm, chỉ gặp rắc rối đối với vật sắc nhọn, thông thường vật lạ sẽ được loại ra ngoài theo đường tiêu hóa sau 24 - 48 giờ.
* Xử trí :
    - Ăn nhiều chất xơ như rau
    - Có thể cho nuốt bông gòn
    - Nếu được nên chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa tiêu hóa để gắp dị vật ra bằng đường nội soi.

2. Vào khí quản :

    Gọi là hội chứng xâm nhập, rất nguy hiểm, có thể gây tử vong

2.1. Triệu chứng : bệnh nhân ho, ngạt thở, tím tái.
2.2. Xử trí :
    - Gập đầu bệnh nhân về phía trước hoặc đặt bệnh nhân ở tư thế nằm sấp
    - Cho thở O xy
    - Tiêm thuốc chống co thắt cơ (atropin 1/4 mg dưới da)
    - Khai khí quản
    - Chuyển khoa TMH gắp dị vật.

IV. TRẬT KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

    Thường trật khớp ra trước, 1 bên hoặc 2 bên

1. Nguyên nhân

    - Do tổ chức dây chằng lỏng lẻo ở người già
    - Do nhổ răng
    - Do chấn thương

2. Xử trí : Nắn lại hàm về vị trí cũ

    - Bệnh nhân ngồi ở sàn nhà, hai chân duỗi thẳng về phía trước, lưng đầu tựa sát vách
    - Bác sĩ đứng đối diện hai chân chùng xuống, ngón cái của hai bàn tay được quấn gạc
    - Đặt hai ngón cái lên mặt nhai các răng cối hàm dưới hai bên, các ngón còn lại giữ bờ dưới xương hàm dưới, rồi thực hiện các động tác sau:
        + Kéo hàm dưới ra trước
        + Ấn hàm dưới xuống dưới
        + Đẩy hàm dưới ra sau

V. SANG CHẤN RĂNG

1. Nguyên nhân

    - Do té ngã
    - Do nhổ răng
    - Khi ăn nhai gặp vật cứng

2. Lâm sàng và xử trí

2.1.  Sai khớp răng không hoàn toàn

Răng bị di chuyển 1 phần khỏi vị trí trong ổ răng(trồi, lún, ra ngoài, vào trong)
* Xử trí
    - Nắn răng trở về vị trí cũ, cố định với các răng bên cạnh bằng cách buộc chỉ thép liên kết răng - răng (buộc số 8 hoặc hình thang) hoặc buộc cung tiguerstedt hoặc nẹp composit
    - Theo dõi tình trạng tủy sau 1 tháng

2.2. Sai khớp răng hoàn toàn: Răng rơi ra khỏi ổ răng

* Xử trí
    - Giữ lại răng, rửa sạch răng bằng nước muối sinh lý (nên ngâm trong nước muối sinh lý)
    - Cắm răng trở lại ổ răng
    - Buộc cố định với các răng bên cạnh bằng cách cột chỉ thép (số 8 hoặc hình thang) trong 1 tháng
    - Sau khi răng chắc trở lại thì chữa tủy răng

2.3.  Gãy thân răng : tùy theo từng trường hợp mà có xử trí khác nhau

    * Diện gãy chưa chạm vào tủy răng sẽ được chữa như 1 răng sâu ngà, trám bằng composite
    * Diện gãy sát tủy răng: che tủy, trám composite hoặc làm chụp răng
    * Diện gãy hở tủy răng : nếu bệnh nhân đau nhiều cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, bôi thuốc tê Xylocaine 10% chuyển điều trị tủy, làm chốt và chụp răng

2.4.  Gãy chân răng : chuyển tuyến trên xử trí
    - Gãy thấp 1/3 chóp : Phẫu thuật cắt chóp và điều trị tủy
    - Gãy > 1/3 chóp: nhổ răng

GIẢM ĐAU

 Đau là một cảm giác khó chịu, được hình thành ở não bộ, tạo ra bởi sự dẫn truyền của dây thần kinh từ một kích thích đau gây nên ở một vị trí nào đó của cơ thể.
Mục đích là làm giảm đau tức thì cho bệnh nhân

I. ĐAU DO RĂNG

1. Đau do viêm tủy cấp

1.1. Dấu hiệu lâm sàng :
    - Đau tự phát, đau giật theo mạch đập, đau nhiều về ban đêm
    - Khám thấy có tổn thương mất chất ở răng (lỗ sâu)
1.2. Xử trí :
    - Súc miệng nước muối ấm
    - Lấy sạch thức ăn trong lỗ sâu
    - Đặt bông gòn tẩm Eugenol hoặc xylocaine 5% vào đáy lỗ sâu
    - Dùng thuốc giảm đau
    - Chuyển tuyến trên điều trị tiếp (gây tê lấy tủy hoặc đặt thuốc diệt tủy để điều trị tủy)

2. Đau do viêm quanh chóp cấp :

    Thường gặp ở những răng đã được trám không đúng cách
2.1. Dấu hiệu lâm sàng     
- Đau tự phát, liên tục, càng lúc càng gia tăng
    - Cảm giác răng trồi lên
    - Đau nhiều khi ăn nhai hoặc chạm vào răng đối diện
    - Gõ dọc rất đau, răng lung lay nhẹ
    - Khám thấy răng sâu đã được trám kín, có thể có sưng đau và niêm mạc nề đỏ ở vùng chóp răng, thử tủy thường âm tính
2.2. Xử trí
    - Lấy bỏ hết chất trâm cũ, mở thông vào buồng tủy (nếu được), bơm rửa sạch và để trống lỗ sâu
    - Dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau
    - Chuyển tuyến trên

II. ĐAU KHÔNG DO RĂNG

1. Đau do viêm lợi răng

1.1. Dấu hiệu lâm sàng
    Lợi sưng đỏ ở 1 hay nhiều chỗ, đụng vào dễ chảy máu, có vôi răng
1.2. Xử trí
    - Súc miệng nước muối ấm nhiều lần/ngày
    - Vệ sinh răng miệng tốt
    - Dùng thuốc giảm đau
    - Chuyển tuyến trên, lấy vôi răng

2. Đau do áp xe lợi răng

2.1. Dấu hiệu lâm sàng : đau nhiều liên tục làm mất ăn mất ngủ, khám thấy lợi vùng áp xe sưng đỏ, phồng lên, sờ căng, cảm giác có mủ bên dưới
2.2. Xử trí
    - Chích tháo mủ bằng dao mổ số 11 (nếu áp xe do răng chết tủy thì cần mở trống răng nguyên nhân)
    - Bơm rửa nước muối sinh lý
    - Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau

3. Đau do viêm quanh thân răng cấp (tai biến mọc răng khôn)

3.1. Dấu hiệu lâm sàng
    - Lợi phủ ở răng khôn đang mọc sưng nề
    - Đau nhiều khi ăn nhai
    - Có thể há miệng hạn chế
    - Đôi khi nuốt đau
3.2. Xử trí
    - Súc miệng nước muối ấm nhiều lần/ngày
    - Dùng thuốc giảm đau + kháng sinh + kháng viêm
    - Chuyển tuyến trên giải quyết
    - Xẻ dẫn lưu mủ nếu có

4. Đau do sỏi tuyến nước bọt

- Dấu hiệu lâm sàng : đau xuất hiện đột ngột, đau nhiều trong lúc ăn, sưng vùng tuyến
- Xử trí
        + Dùng thuốc giảm đau, an thần
        + Chuyển tuyến trên điều trị

5. Đau dây thần kinh mặt (dây thần kinh V)

    - Đau từng cơn thường xuất phát ở 1 vị trí ban đầu, sau đó lan theo hướng đi của dây thần kinh V
    - Xử trí:
        + Dùng thuốc giảm đau
        + Dùng Vitamin nhóm B liều cao
        + Phong bế dây thần kinh bằng Novocain + B1
        + Phẫu thuật cắt bỏ dây thần kinh